Nhiều loại cồn với mác “cồn y tế” nhưng thực chất lại là cồn công nghiệp và nó không hề có tác dụng sát trùng mà chỉ dùng để làm nguyên liệu.
Do chủ quan và thiếu hiểu biết về những loại cồn y tế được bày bán tràn lan trên thị trường, nhiều người dân thường không chú ý đến chất lượng và mặc nhiên cho rằng cồn y tế là tinh khiết nên mua về để sát trùng vết thương và nướng thực phẩm. Chính tâm lý chủ quan của người tiêu dùng đối với mặt hàng y tế này, nhiều kẻ trục lợi đã bất chấp dùng cồn công nghiệp để pha chế cồn y tế.
Cùng với đó có rất nhiều cơ sở sản xuất cồn y tế, nước muối sinh lý không đảm bảo chất lượng. Cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm lít cồn, muối sinh lý thành phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất. Dù trên nhãn mác ghi là Ethanol (tức cồn thực phẩm) nhưng thực chất được pha chế từ cồn công nghiệp.
Loại cồn công nghiệp Methanol không những không sát trùng được vết thương mà còn gây ra nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến điều trị vết thương hở, vết mổ. Thậm chí, đã có nhiều nạn nhân đã tử vong vì vô tình pha cồn y tế giả để uống thay rượu.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa hoc Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cồn y tế hay còn gọi là cồn ethanol (C2H5OH). Hiện nay trên thị trường so với ethanol, giá bán cồn methanol rất rẻ nên nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận mà bất chấp nguy hại cho người tiêu dùng. Cồn ethanol được sản xuất từ việc lên men các nguyên liệu là tinh bột như sắn, ngô… và đường với mức độ tinh chất và không bị lẫn tạp chất được dùng chủ yếu để sát khuẩn khử trùng, tiệt trùng dụng cụ y tế… Còn methanol sản xuất từ các loại vật liệu có chứa cenlulose, chứa nhiều tạp chất độc hại, đây là chất cực độc với cơ thể con người. Methanol không chỉ gây hại cho người sử dụng khi uống mà khi tiếp xúc vào da, chất độc này cũng thâm nhập qua các vết thương hở. Hít phải methanol cũng có nguy cơ ngộ độc.
Cồn y tế giả chứa chất cực độc gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trước đó, Đội QLTT số 1 Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hàng trăm sản phẩm cồn sát trùng diệt khuẩn được bào chế từ cồn công nghiệp. Kiểm tra doanh nghiệp sản xuất Cường Thủy có địa chỉ tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, chủ doanh nghiệp này khóa cửa ngoài, không hợp tác.
Mặc dù được Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận hồ sơ công bố điều kiện sản xuất cồn ethanol 70 và 90 độ sử dụng trong lĩnh vực y tế sát khuẩn, tuy nhiên bên trong các sản phẩm cồn y tế của doanh nghiệp Cường Thủy lại không có bất kỳ thành phần nào là cồn ethanol.
Do cả tin vào các giấy chứng nhận và công bố sản phẩm nên các nhà thuốc cũng đã vô tình tiếp tay bán các sản phẩm cồn công nghiệp đội lốt cồn y tế. Chủ một nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân cho biết, do tưởng nhầm là cồn y tế nên đã mua về để bán với giá 18.000 đồng/chai.
Theo các chuyên gia, trong cồn công nghiệp có lẫn hàm lượng methanol cao, đây là chất rất độc với hàm lượng nhỏ có thể gây mù, có tác hại với hệ thần kinh, gây tổn thương não. Bệnh viện Bạch Mai từng có công văn gửi Bộ Y tế khi một bệnh nhân tại đây tử vong do uống cồn y tế của doanh nghiệp Cường Thủy nhưng kết quả xét nghiệm hàm lượng cồn công nghiệp lên tới 81%.
Để tránh những nguy hại khi phải sử dụng cồn y tế giả, mọi người chỉ nên mua và sử dụng các loại cồn y tế là sản phẩm của các công ty y tế đã có số đăng ký hoặc công bố trên nhãn mác. Các thành phần trên nhãn mác sản phẩm, mọi người cần đọc kĩ như đơn vị sản xuất, số đăng ký sản phẩm, số công bố sản phẩm, hạn sử dụng… Việc mua hàng chính hãng của công ty nếu có xảy ra rủi ro có nơi truy cứu trách nhiệm, nhất là khi mua về làm nguyên liệu sản xuất nước rửa tay sát khuẩn như hiện nay hay làm mỹ phẩm.